Thị trường đất nền: giao dịch giảm, giá không giảm

Sau đợt sốt nóng, thị trường đất nền TP.HCM và các tỉnh lân cận đang có dấu hiệu chững lại. Đâu là nguyên nhân?

Giao dịch chững lại

Khảo sát thực tế tại khu vực quận 9, Thủ Đức, quận 2 – những nơi là tâm điểm của sốt đất cách đây vài tháng – thấy hoạt động mua bán đã trầm lắng hơn, lượng giao dịch đã giảm hẳn so với lúc trước.

Nguyễn Khôi, nhân viên môi giới bất động sản khu vực quận 9, cho biết khoảng hơn 1 tháng nay, thị trường đất nền tại quận 9 nói riêng và cả TP.HCM có xu hướng chững lại về giao dịch. Trước đây, mỗi ngày anh phải chạy “bở hơi tai” với các cuộc gặp khách hàng, bận rộn nghe điện thoại. Nhưng hiện nay anh đã nhàn hơn rất nhiều.

Tại các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn cũng gặp tình trạng tương tự, không còn thấy cảnh những nhóm người tấp nập đi săn đất nền như trước. Tuy nhiên, dù giao dịch trên thị trường chững lại, nhưng giá bán của đất nền không giảm.

Một môi giới tên Vương cho biết, thị trường chững lại là quy luật tất yếu. Bởi theo chu kỳ, sau mỗi đợt sốt nóng, thị trường sẽ trầm lắng lại một thời gian. Hiện tượng giảm giá chỉ xuất hiện ở các trường hợp chủ đất cần bán gấp, đất có vấn đề pháp lý không rõ ràng, vị trí xấu thoát hàng không được. Còn lại những khu đất có vị trí tốt, pháp lý rõ ràng thì giá bán không hề giảm.

Ghi nhận thực tế tại quận 9 cho thấy, giá đất trên đường Man Thiện đang giao dịch trung bình khoảng 35 triệu đồng/m2. Đường Nguyễn Xiển vẫn đang giữ mức dao động từ 40 – 45 triệu đồng/m2.

Trên đường Nguyễn Duy Trinh, một khu đất có diện tích gần 100m2 đang được rao mức giá 70 triệu đồng/m2. Dự án đất nền Singa City trên đường Trường Lưu hiện đang được rao bán mức giá trung bình trên dưới 20 triệu đồng/m2. Kế đó, đại dự án khu đô thị Đông Tăng Long hiện đang được đầu tư mới lại hạ tầng có mức giá 18 – 25 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Dự án đất nền nằm gần mặt tiền trên đường Bưng Ông Thoàn được chào bán từ 38 triệu đồng/m2. Dự án đất nền Bách Khoa nằm gần đó mức giá vẫn giữ trung bình khoảng 25 triệu đồng/m2.

Không chỉ tại TP.HCM, thị trường đất nền tại các tỉnh vùng ven như Long An, Đồng Nai, Bình Dương cũng đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên, mức giá cũng không có nhiều biến động so với trước.

Chững lại vì sao?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết cơn sốt đất nền lan rộng tại các TP.HCM và các tỉnh vùng ven là điểm nổi bật của thị trường bất động sản trong những tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, hiện cơn sốt đất nền này đã có dấu hiệu giảm nhiệt.

Theo ông Châu, cơn sốt đất nền được kiểm soát có nguyên nhân từ sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương. Mới đây, nhiều công ty tại các tỉnh Long An, Đồng Nai đã bị “điểm mặt” bởi hàng loạt sai phạm trong hoạt động đầu tư, phân phối đất nền.

Cụ thể, Sở Xây dựng Long An đã liệt kê các dự án có sai phạm là khu dân cư - tái định cư khu đô thị Năm sao ở xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc do Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao làm chủ đầu tư; khu đô thị thương mại Riverside Cần Đước (Thắng Lợi Riverside Market) tại thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước; dự án Thiên Phúc - Hoàng Gia (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) do Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Thiên Phúc làm chủ đầu tư.

Cơ quan cảnh sát điều tra Đồng Nai cũng đang thụ lý nhiều công ty, dự án đất nền có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Trong số đó, hai cái tên nổi bật là Công ty cổ phần đầu tư Việt Hưng Phát và Công ty địa ốc Kim Phát.

Theo các chuyên gia, còn nhiều nguyên nhân khác khiến thị trường đất nền chững lại. Anh Khánh Phương, Giám đốc một sàn môi giới tại quận 9, cho biết thị trường đất nền giảm nhịp độ giao dịch là do khan hiếm nguồn sản phẩm mới. Hiện nay, giao dịch chủ yếu vẫn là thứ cấp.

Ngoài ra, sau đợt sốt nóng bất thường, các nhà đầu tư đang thăm dò để chuẩn bị các đợt đầu tư vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, đây cũng là giai đoạn chuẩn bị bước vào tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn),  giai đoạn nhiều người có tâm lý kiêng mua bán nhà đất.

Anh Phương cũng cho biết, xu hướng chững lại này không ảnh hưởng đến mức giá bán, thị trường sẽ không thấy hiện tượng xuống giá ồ ạt hay bán tháo như nhiều người đang dự đoán. Vị giám đốc này dự đoán, thị trường sẽ tiếp tục đà trầm lắng trong khoảng 2 tháng tới, và sôi động trở lại vào những tháng cuối năm.

Lúc 8h30 ngày 29/6 tới, Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand sẽ tổ chức Hội thảo “Sốt bất động sản – Cơ hội và rủi ro” tại Royal Hotel Saigon – 133 Nguyễn Huệ, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia:

  • PGS, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
  • TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
  • Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam

Từ năm 2014 đến nay thị trường bất động sản đã phục hồi mạnh mẽ. Giá nhà đất và thanh khoản đều tăng mạnh. Tại TP.HCM, cơn sốt bất động sản diễn ra khắp nơi và lan ra các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cơn sốt còn lan sang các tỉnh Miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định, Quảng Ngãi và đặc biệt là 3 khu vực được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế: Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong.

Năm 2018, theo chu kỳ phát triển của thị trường trong quá khứ thì đây chính là năm thị trường bất động sản Việt Nam đạt đỉnh. Không chỉ ở những nơi có quy hoạch hay được đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, trên thực tế giá đất nhiều nơi đã có mức tăng đột biến. Những dấu hiệu đó cho thấy có thể bong bóng bất động sản dường như đã hình thành.

Tại Hội thảo “Sốt bất động sản – Cơ hội và rủi ro” các chuyên gia sẽ đưa ra những phân tích, đánh giá một cách toàn diện về bối cảnh kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới từ đó chỉ ra những rủi ro và cơ hội khi thị trường đang biến động không ngừng.

Hội thảo được tổ chức với sự đồng hành của Công ty Cổ phần dịch vụ Bất động sản Danh Khôi Việt (DKRV) và Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (Hung Thinh Corp).

Trần Phong