Ham đất giá rẻ và lợi nhuận cao trong lúc sốt nóng, nhiều nhà đầu tư nếm trái đắng
Nhiều nhà đầu tư (NĐT) không tìm hiểu rõ nguồn gốc đất khi tham gia đầu tư đất nền vào những đợt sốt nóng, ham giá rẻ dẫn đến việc tiền mất tật mang.
Xem thêm >>> Dự án Saigon Village
Năm 2017, khi đất nền Nhơn Trạch có dấu hiệu “nóng sốt”, anh Nguyễn Văn T, một NĐT đất nền sống tại Tp.HCM, đã qua đây tìm hiểu đất đai. Theo lời kể của anh T, thời điểm đó nhiều bạn bè của anh đầu tư sinh lợi rất tốt ở thị trường này nên anh cũng “đu theo”.
Sau thời gian lân la các con đường ngõ hẻm tại Nhơn Trạch, anh T khá ưng ý một lô đất diện tích lớn và mức giá khá rẻ, thậm chí có thể gọi là “bèo”, chỉ 950 ngàn đồng/m2 (diện tích 3.000 m2) đất có 3 mặt đường, hẻm ô tô, sát cụm khu công nghiệp đang hoạt động.
Dù được môi giới tư vấn đất này chưa lên thổ cư được, nhưng do giá đất rẻ, lại được diện tích lớn, phù hợp với số tiền sẵn có nên anh T quyết tâm “xuống tiền” nhanh chóng.
Ngoài ra, căn cứ vào giá đất xung quanh, nền 100m2 (đã thổ cư) cũng đã 900 triệu, cũng nhiều NĐT tham gia mua bán càng khẳng định thêm niềm tin cho anh T mua mảnh đất này. “Lúc đó, tôi nghĩ họ mua thì mình cũng mua chắc không sao. Hơn nữa, tôi không có ý định để lâu dài mà mua xong có lời là bán”, anh T kể lại.
Ảnh minh họa
Sau một tuần đặt cọc, khi đi công chứng (chưa lấy sổ về), có người đã trả giá miếng đất của anh T giá 1,2 triệu đồng/m2. Với diện tích 3.000 m2, trừ chi phí, tính ra anh T cũng lời kha khá nhưng NĐT này nghĩ lại, chắc giá còn lên nữa nên chưa vội bán ra.
Bẵng đi 2 tháng sau đó, một môi giới BĐS gọi thuyết phục anh T bán lô đất trên để chốt lời và chuyển qua khu vực khác để đầu tư. Theo lời môi giới này nói với anh T thì khu vực miếng đất sắp giải tỏa để làm khu tái định cư. Nếu có quyết định thu hồi thì giao dịch sẽ bị chặn lại và sẽ khó bán. Lúc này, có người đã trả giá miếng đất của anh T với giá 1,5 triệu đồng/m2.
Mặc dù thấy khá lời nhưng NĐT nghĩ rằng, chắc môi giới nói vậy để dụ mình bán lô đất trên thôi chứ chẳng có chuyện quy hoạch gì cả. Nghĩ vậy nên anh T vẫn quyết định không bán mảnh đất trên và tiếp tục để đó chờ lên giá.
Khoảng một tháng sau đó, khi cần sử dụng tiền để vào công việc gấp, anh T liên hệ với môi giới để rao bán dùm mảnh đất. Thế nhưng, môi giới này báo lại hiện mảnh đất đã có quyết định thu hồi làm khu tái định cư nên không giao dịch chuyển nhượng được nữa.
“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ chắc do môi giới này giận mình vì việc không bán đất lần trước nên khi nghe xong, tôi liên hệ thêm vài môi giới để gửi bán. Kết quả nhận được là mảnh đất của tôi nằm trong diện quy hoạch. Các môi giới này đều đưa lời khuyên là tôi nên đợi để nhận tiền bồi thường hoặc mua suất tái định cư ưu đãi.... vì giờ có bán lại giá gốc thì cũng chẳng có khách mua”, NĐT này ngậm ngùi chia sẻ.
Buồn chán, NĐT này cũng lân la qua thăm lại mảnh đất và cũng không rõ đến khi nào mới nhận tiền bồi thường. Đất vẫn còn đó nhưng bán không được. Theo NĐT này, cũng có 1 số NĐT khác bị như mình, có NĐT ôm đến cả 10.000m2 đất tại khu vực và “khóc dở, mếu dở” vì rơi vào diện giải tỏa.
Theo NĐT này, trong khi cũng số tiền như thế, cùng thời điểm vào thị trường bạn bè đầu tư thận trọng hơn, mỗi lô đất họ đều kiểm tra quy hoạch rõ ràng tại nơi một cửa của huyện... rồi mới quyết định xuống tiền. Đa số họ đã nhận được quả ngọt sau thời gian đầu tư, còn anh T thì nhận về trái đắng khi đất vẫn còn đó, không bán được từ cuối năm 2017 đến nay.
Như vậy để thấy, nếu NĐT này biết dừng đúng lúc thì sẽ thắng, nhưng ngược lại đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Câu chuyện này thực tế không chỉ xảy ra với anh T mà khá nhiều NĐT khác đã phải nếm trãi. Vừa không tìm hiểu kỹ càng BĐS, vừa quá “tham” lợi nhuận lại ham giá rẻ dẫn đến “tiền thì mất mà đất cũng không còn”.
Theo các chuyên gia trong ngành, BĐS là lĩnh vực đầu tư đã mang lại nhiều thành quả cho các NĐT. Tuy nhiên, lĩnh vực nào cũng vậy luôn có nhiều lựa chọn với nhiều phân khúc nhau để đầu tư. Để lợi nhuận đạt được như kỳ vọng và hạn chế được rủi ro thấp nhất thì NĐT cần trang bị các kiến thức cơ bản vào thị trường.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ