7 bất cập trong hoạt động kinh doanh BĐS

Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), trong lĩnh vực BĐS thì hoạt động đầu tư kinh doanh dự án nhà ở thương mại có nhiều yếu tố đặc thù, nên rất cần có cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp.

Xem thêm >>> dự án Saigon Village

Hiệp hội cũng chỉ ra 7 bất cập còn tồn tại trong hoạt động kinh doanh BĐS.

Thứ nhất, dự án nhà ở thương mại thực hiện qua nhiều giai đoạn, bao gồm giai đoạn chuẩn bị đầu tư; giai đoạn thực hiện dự án; giai đoạn quản lý, khai thác kinh doanh sau dự án, với nhiều bước từ A-Z. Bắt đầu từ khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất; Thẩm định dự án và được công nhận chủ đầu tư; Cấp phép xây dựng và thi công xây dựng; Thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nộp tiền sử dụng đất; Bán sản phẩm nhà ở và chăm sóc khách hàng.

Quá trình đầu tư kinh doanh dự án nhà ở thương mại thường mất khoảng trên dưới 5 năm, thậm chí trên dưới 10 năm, nhưng chủ đầu tư không được quyền tự do chuyển nhượng dự án (M&A) theo nhu cầu kinh doanh. Bởi lẽ, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án, sau khi đã có Giấy chứng nhận (sổ đỏ), nên đã làm hạn chế quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp trong hoạt động M&A và không tạo được nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai, về nguồn vốn đầu tư dự án, theo quy định pháp luật, chủ đầu tư phải có tối thiểu 15-20% vốn chủ sở hữu trong tổng mức đầu tư. Phần lớn nguồn vốn còn lại chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng ngân hàng, hoặc huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp, hoặc vốn liên doanh liên kết, hợp tác (trong giai đoạn đầu) và vốn huy động từ khách hàng (khi đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai).

7 bất cập trong hoạt động kinh doanh BĐS - Ảnh 1.

Ảnh: Hạ Vy

Theo HoREA, Thị trường bất động sản chưa có các nguồn vốn trung dài hạn; hầu như chưa có các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT); cũng chưa có các tổ chức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp có uy tín như nhiều nước, tương tự Fitch Ratings.

Thứ ba, do quy định chỉ được tính các khoản chi phí hợp pháp, hợp lệ, hợp lý được Luật Thuế công nhận, nên giá thành (danh nghĩa) sản phẩm nhà ở thấp hơn rất nhiều so với chi phí thực tế mà chủ đầu tư đã bỏ ra, trong đó, có cả các "chi phí không tên" và do không được công nhận là chi phí, nên bị coi là "lợi nhuận" phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên các chi phí không được tính này. Nhưng cuối cùng, tất cả mọi chi phí của chủ đầu tư đều tính trong giá bán, mà người mua nhà phải gánh lấy khi mua nhà.

Thứ tư, một số khoản thu ngân sách nhà nước chưa hợp lý đối với dự án nhà ở thương mại, như mức thu tiền bảo vệ đất lúa khá cao (đối với dự án có sử dụng đất lúa), với mức thu tối thiểu bằng 50% Bảng giá đất. Đặc biệt là khoản thu "tiền sử dụng đất" không hợp lý, đối với các dự án nhà ở thương mại.

Đây là khoản thu ngân sách nhà nước không phải là thuế với mức thu cao, nên cũng là một yếu tố góp phần làm tăng giá thành nhà ở. Với việc thu tiền sử dụng đất theo phương thức trực thu, thu một lần này, sẽ không tái tạo nguồn thu ngân sách nhà nước cho các nhiệm kỳ sau. Nếu thay thế cách thu "tiền sử dụng đất" bằng "sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp chuyển thành đất ở", thì sẽ tạo một nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước, mà nếu thực hiện sắc thuế này, thì phải đồng thời bãi bỏ phương thức thu tiền sử dụng đất hiện nay, để tránh tình trạng thuế chồng thuế.

Thứ năm, hoạt động môi giới bất động sản là cần thiết, kết nối cung-cầu, góp phần làm thị trường bất động sản minh bạch và chuyên nghiệp. Nhưng phần lớn các nhà môi giới ở nước ta chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo đầy đủ, cả về kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và thiếu cơ chế quản lý nên đã xảy ra nhiều bất cập, thậm chí có trường hợp nhà môi giới (cò đất, cò nhà) gây thiệt hại cho người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp, hoặc có lúc đã làm "nhiễu" thị trường.

Thứ sáu, gần như có cả một "rừng" văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản, nhìn chung rất rườm rà phức tạp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, xung đột, như một "ma trận" làm nản lòng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng trong khoảng 10 năm qua, hệ thống pháp luật đã được xây dựng hoàn thiện dần. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định pháp luật chưa đảm bảo đầy đủ tính thống nhất, tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông.

Do những vướng mắc về thể chế pháp luật, mà tại Tp.HCM, từ tháng 12/2015-09/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ngừng triển khai do "ách tắc" thủ tục đầu tư xây dựng; Hoặc từ ngày 07/3/2017, có khoảng 158 mặt bằng, hoặc dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý, đã phải dừng triển khai để thực hiện việc rà soát, kiểm tra về pháp lý. Các vướng mắc pháp lý này đã làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở bị sụt giảm rất lớn trong các năm qua.

Thứ bảy, công tác thực thi pháp luật cũng còn nhiều mặt hạn chế, nhất là quy trình thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn khuất cơ chế "xin-cho", nhũng nhiễu, tiêu cực, cũng là "lực cản" và là một nguyên nhân làm tăng chi phí đầu tư, tăng giá nhà, như có địa phương yêu cầu doanh nghiệp phải nộp "tiền sử dụng đất" rồi mới được công nhận chủ đầu tư, mới được cấp Giấy phép xây dựng, trong khi Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản không yêu cầu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm này.

Hạ Vy

Theo Trí thức trẻ