TPHCM: Vì sao thị trường BĐS khu Nam sắp tới sẽ càng sôi động hơn?

Khu Nam được đánh giá là khu vực phát triển nhất TPHCM với nhiều lợi thế về hạ tầng. Ngoài ra còn có thông tin TP đang nghiên cứu lập một khu kinh tế đặc biệt. Điều này hứa hẹn nơi đây tiếp tục là khu vực phát triển năng động trong thời gian tới.
 
Cùng với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hệ thống giao thông kết nối sẵn có như đường Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt và sắp tới là các dự án đầu tư nâng cấp giao thông mới…, khu Nam (gồm quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè) đang được nhiều nhà đầu tư bất động sản kỳ vọng sẽ là đối trọng với khu vực sôi động phía Đông.
 
Nhiều chuyên gia nhận định khu Nam là điểm sáng về tốc độ phát triển đô thị đồng bộ so với các khu vực khác. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, cho rằng trong sự phát triển đó, hạ tầng là yếu tố có tác động rất lớn. Tuy nhiên, với mật độ dân số tăng lên gấp hàng chục lần, hạ tầng khu Nam đang ngày càng quá tải. Việc tập trung đầu tư và cải thiện hạ tầng giao thông khu Nam là xu hướng tất yếu.
 
Nhiều dự án hạ tầng thuộc khu Nam Sài Gòn đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư dự tính hơn 30.000 tỉ đồng theo nhiều hình thức khác nhau. Đây cũng là bước tiếp theo trong kế hoạch hoàn thiện hệ thống đường trục Bắc – Nam của thành phố, kết nối giao thông cho cả một khu vực rộng lớn và tạo những đường nối huyết mạch đi tới các tỉnh thành xung quanh, tạo đà phát triển mới cho Quận 7 và các quận lân cận.
 
Một trong những dự án hạ tầng quan trọng tại đây phải kể đến là cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết, hiện đơn vị đang khẩn trương thi công 03 gói thầu cuối của dự án cao tốc này, mục tiêu đến đầu năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động.
 
Ngoài dự án cao tốc, nhiều dự án hạ tầng thuộc khu vực cũng đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư như: Dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng); Dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); Dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; Dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè (dự trù 6.744 tỷ đồng)...
Đất nền khu nam sài gòn
Bên cạnh ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc, TP cũng lên phương án mở rộng tuyến đường Lê Văn Lương, kết nối khu Nam TPHCM và tỉnh Long An. Tuyến Metro số 4 (đi qua các quận 1, 3, 4, 7, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận và huyện Nhà Bè) chạy song song với đường Nguyễn Hữu Thọ, đã quy hoạch và đang kiến nghị điều chỉnh kéo dài từ đường Nguyễn Văn Linh đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước.
 
Điều đáng nói là trong năm 2018, UBND TPHCM đã có ý kiến về việc hình thành một khu kinh tế đặc biệt ở khu Nam, gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh và Cần Giờ. Lý do là bởi khu vực này có nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế hướng biển với các khu đô thị hiện đại đã và đang xây dựng. Nhiều chuyên gia kỳ vọng, khi hình thành khu kinh tế đặc biệt, đây sẽ là đòn bẩy kích thích sự “trỗi dậy” của các dự án tại đây.
 
Cùng với sự phát triển của hạ tầng, thời gian qua, hàng loạt dự án nhà ở cùng các dự án phục vụ cộng đồng dân cư như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí… cũng được nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư tại khu Nam, khiến cả khu vực này “thay da đổi thịt” từng ngày. Điển hình là các nhà đầu tư Singapore đã cho phát triển các đại siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn. Từ đó, hàng loạt dự án BĐS cao cấp đã và đang tiếp nối theo, dự báo từ nay đến hết năm 2019 nguồn cung nhà ở tại đây khá dồi dào.
 
Thêm vào đó, với thông tin mong muốn phát triển khu Nam trở thành đại đô thị kiểu mẫu của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, giới phân tích dự đoán khu vực này sẽ đón nhận nhiều dự án BĐS mới trong tương lai gần. Nhà đầu tư ngoại cũng sẽ “đổ bộ” vào đây nhiều hơn, không chỉ phát triển trong khu Phú Mỹ Hưng, mà còn mở rộng ra các khu vực khác của khu Nam, nhất là khu Tây Nam trên trục đường Nguyễn Văn Linh đi cao tốc Trung Lương.
 
Theo TBKD