TP.HCM: Nhà Bè sẽ lột xác nhờ hàng loạt dự án lớn
Trong thời gian tới, huyện Nhà Bè (phía nam TP.HCM) sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng, xây mới nhiều tuyến đường và cây cầu huyết mạch.
Huyện Nhà Bè và trung tâm TP được kết nối bởi nhiều tuyến đường huyết mạch như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ... Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, các tuyến đường này đã trở nên quá tải, không thể đáp ứng nhu cầu giao thông cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, trong giai đoạn 2020-2025, huyện Nhà Bè đã có phương án nâng cấp, mở rộng nhiều cầu, đường kết nối vào trung tâm TP.
Xem thêm >>> bán đất huyện Nhà Bè
Nhiều cầu, đường ở Nhà Bè đã xuống cấp
Theo ghi nhận của PV, đường Huỳnh Tấn Phát (nối huyện Nhà Bè và quận 7) luôn trong tình trạng quá tải. Vào giờ cao điểm, các phương tiện phải nhúc nhích từng chút một, tình trạng này kéo dài tới đường Nguyễn Tất Thành (quận 4). Đặc biệt, vào những ngày có triều cường, nước từ các cống dâng lên ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực.
Tương tự, đường Nguyễn Hữu Thọ (nối huyện Nhà Bè và quận 7) cũng trong tình trạng quá tải nhiều năm nay, đặc biệt là tại các nút giao cắt. Dọc hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh có hàng chục tòa nhà chung cư mọc lên, thu hút rất đông dân cư, song hạ tầng giao thông nhiều năm nay chưa được cải thiện nhiều.
Trên trục đường Lê Văn Lương (nối huyện Nhà Bè với quận 7 và thông suốt với tỉnh Long An) có bốn cây cầu sắt đã lạc hậu, xuống cấp, lưu thông không còn an toàn gồm Long Kiểng, Rạch Đĩa, Rạch Tôm và Rạch Dơi.
Anh Nguyễn Văn Thương (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho biết bốn cây cầu sắt trên trục đường Lê Văn Lương đều có tuổi đời hơn 50 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, TP đã có phương án xây dựng cầu Long Kiểng mới nhưng nhiều năm vẫn chưa xong.
Chính vì vậy, để đảm bảo giao thông và tránh sự cố sập cầu, tại hai đầu cầu đều có lực lượng trực chốt bảo vệ để điều tiết giao thông. Bởi trước đó, năm 2018 đã xảy ra sự cố sập cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương khiến giao thông khu vực tê liệt nghiêm trọng.
Cầu Long Kiểng hiện hữu (trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè) đã lạc hậu, xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông. Ảnh: ĐÀO TRANG
Triển khai nhiều dự án quan trọng
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết hiện nay huyện đang đề xuất TP và các đơn vị liên quan để tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025. Bởi hiện nay hệ thống giao thông trên địa bàn huyện chưa đạt được như kỳ vọng. Sau khi các dự án giao thông được đầu tư sẽ tăng thêm sự kết nối với quận 7 và trung tâm TP, đây sẽ là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội cho Nhà Bè.
Ông Tùng cho hay dự án nâng cấp, mở rộng đường Huỳnh Tấn Phát đang được gấp rút triển khai. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành.
Sắp tới, dự án xây cầu bắc qua kênh Cây Khô nối giữa huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè cũng sẽ được khởi công xây dựng. Song song đó, huyện cũng phối hợp với cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Long Kiểng (kết nối giữa xã Phước Kiển và xã Nhơn Đức) và một số dự án đang thi công trên địa bàn huyện.
“Hiện nay huyện Nhà Bè có nhiều cây cầu bị xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội như Long Kiểng, Rạch Đĩa, Rạch Tôm, Rạch Dơi... Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong thời gian tới là sớm xây dựng hàng hoạt cây cầu mới thay thế cho những cây cầu hiện hữu” - ông Tùng khẳng định.
Theo ông Lương Minh Phúc, hiện nay huyện Nhà Bè có 15 dự án giao thông đang xây dựng và chuẩn bị khởi công. “Để các công trình được nhanh chóng triển khai và hoàn thành, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và người dân để đẩy nhanh các thủ tục. Từ đó sớm đưa Nhà Bè trở thành một quận trong thời gian tới” - ông Phúc cho biết.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho hay: Theo quy hoạch, huyện Nhà Bè là một đô thị biển gắn liền với cảng và các khu đô thị mới. Tuy nhiên, nhìn nhận vào hạ tầng giao thông của huyện này thì hiện nay còn thiếu các trục đường theo phương bắc - nam, đó là sự kết nối từ khu vực phía nam vào trung tâm TP. Chính vì vậy, thời gian tới chúng ta sẽ đầu tư, xây dựng hàng loạt dự án lớn kết nối theo trục này.
Điển hình, dự án cầu đường Nguyễn Khoái nối từ quận 7 tới quận 4 và quận 1 sắp được triển khai xây dựng. Đây là một dự án rất lớn và rất quan trọng không chỉ đối với Nhà Bè mà còn cho cả khu vực phía nam TP. Đồng thời, phía huyện Nhà Bè cũng có phương án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ.
Thời gian tới, TP sẽ tiến hành nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Lương và xây dựng mới bốn cây cầu đã xuống cấp trên đường này. Sau khi các dự án được hoàn thành thì đây sẽ là trục giao thông quan trọng, là cửa ngõ kết nối với tỉnh Long An.
Song song với đường Huỳnh Tấn Phát, TP sẽ triển khai xây dựng và đầu tư trục đường 15B. Trục này có vai trò vô cùng quan trọng bởi là tuyến đường huyết mạch theo phương bắc - nam, điểm cuối của trục 15B sẽ là điểm đầu của cầu Cần Giờ trong tương lai.
Bên cạnh trục bắc - nam thì trục đông - tây cũng cần sớm được hoàn thiện mạng lưới để phục vụ hệ thống cảng biển ở Nhà Bè. Do đó, TP cần sớm triển khai hàng loạt dự án trong năm năm tới để hoàn thành mạng lưới giao thông quan trọng này.
Niềm vui từ cây cầu Phước Lộc
Cầu Phước Lộc đã chính thức được thông xe kỹ thuật và sắp đi vào hoạt động. Cầu Phước Lộc về đích sẽ là tin rất vui cho người dân huyện Nhà Bè.
Có thể nói cầu Phước Lộc là một trong các dự án giao thông trọng điểm của TP, góp phần từng bước cải thiện tình trạng kẹt xe, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Nhà Bè nói riêng và khu vực phía nam TP nói chung.
Đặc biệt, cầu Phước Lộc không chỉ là tiền đề quan trọng kết nối giao thông hai xã Phước Lộc và Phước Kiển mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và liên kết với các tỉnh lân cận.
Để cây cầu này nhanh chóng về đích thì cần có sự nỗ lực của UBND huyện, chủ đầu tư và sự hy sinh của người dân khi chấp nhận di dời nhà cửa để phục vụ cho mục tiêu chung của TP.
Ông HOÀNG TÙNG, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè
ĐÀO TRANG
Theo Nguồn PLO