Thị trường bất động sản phía Nam: Chờ tiếp những thương vụ M&A ngàn tỷ
Thị trường bất động sản phía Nam đã chứng kiến hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn. Xu hướng này được dự báo còn diễn ra mạnh trong thời gian tới.
Xem thêm >>> bán đất Nhơn Đức Nhà Bè
Nước chảy chỗ trũng
Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do “dư chấn” của Covid-19, không ít doanh nghiệp quy mô nhỏ phải hoạt động cầm chừng, thì các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn lại không ngừng đẩy mạnh hoạt động săn tìm quỹ đất mới.
Có thực tế là dù hoạt động M&A diễn ra sôi động, nhưng “nước chảy chỗ trũng”, phần lớn dự án chủ yếu thuộc về tay các công ty bất động sản lớn như Hưng Thịnh, Đất Xanh, LDG Group...
Một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua là Tập đoàn Danh Khôi đã chi hàng ngàn tỷ đồng để hồi sinh những dự án “đắp chiếu”. Đáng chú ý là thương vụ mua lại từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Sun Frontier (Nhật Bản) để chính thức trở thành chủ đầu tư Dự án Sun Frontier tại TP. Đà Nẵng.
Cũng tại Đà Nẵng, Danh Khôi mua lại một dự án ven biển là Hotel And Resort Đà Nẵng từ Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội - Non Nước. Dự án này có quy mô 7,5 ha, vị trí khá đắc địa trên đường Trường Sa, từng có lịch sử bị “trùm mền” khá lâu. Sau khi mua lại, doanh nghiệp này đang tiến hành xây dựng với tên gọi mới là Aria Đà Nẵng Hotel & Resort.
Một ông trùm về M&A là Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua một dự án tại Nhơn Hội (Bình Định) với quy mô hơn 1.000 ha. Sau khi mua lại dự án này, Hưng Thịnh đang lên kế hoạch triển khai, dự kiến biến thành một khu phức hợp nhà ở, biệt thự, khách sạn du lịch và nghỉ dưỡng. Ngoài ra, gần đây Hưng Thịnh cũng đã chi khoản tiền lớn để mua lại quỹ đất có quy mô lên đến hàng ngàn héc-ta tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) để phát triển dự án.
Tập đoàn LDG Group mới đây công bố mua thành công Dự án Khu căn hộ cao cấp Sông Đà Riverside tại quận Thủ Đức (TP.HCM), từ Công ty cổ phần Đầu tư Quốc Cường Gia Lai. Sau khi về tay LDG, dự án mang tên Khu căn hộ cao cấp LDG River, có tổng vốn đầu tư khoảng 4.153 tỷ đồng.
“Đây không phải là lần đầu tiên LDG Group hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai, nhưng việc hợp tác lần này là thương vụ lớn nhất”, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT LDG Group nói và tiết lộ thêm, dự án sẽ được đầu tư phát triển theo mô hình căn hộ cao cấp và cung ứng ra thị trường hàng ngàn sản phẩm.
Tương tự, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn xác nhận chuyển nhượng thành công 20% vốn góp tại Dự án Khu nhà ở phía Nam đường Xuyên Á từ Công ty cổ phần Địa ốc 9. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng lên kế hoạch mua lại các quỹ đất ở thị trường các tỉnh trong thời gian tới và đang gấp rút hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng Dự án Gem Premium (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho Tập đoàn Đất Xanh.
“Sóng ngầm”
Theo dữ liệu từ Công ty Sohovietnam (đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A bất động sản), nhu cầu của nhiều nhà đầu tư đặt mua khách sạn tăng lên trong thời gian gần đây. Chỉ riêng lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng, số tiền sẵn sàng đầu tư nằm trong khoảng từ 8.000 đến 10.000 tỷ đồng, với tiêu chí đầu tư tập trung vào các tài sản đã xây xong, đang vận hành, hoặc xây dựng dở dang, đất dự án.
Tương tự, báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cũng chỉ ra, nhiều nhà đầu tư tiềm lực mạnh đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án. Từ năm 2019 đến nay, một số dự án trong quá trình thương thảo với tổng giá trị ước tính hơn 500 triệu USD. Đại diện đơn vị này cũng cho rằng, sẽ có nhiều hơn nhà đầu tư nắm bắt cơ hội chốt thương vụ sớm.
Ông Raymond Clement, Giám đốc điều hành Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương nhận xét, dưới tác động của Covid-19, các thương vụ M&A bất động sản sẽ được thúc đẩy nhanh hơn khi việc đàm phán để đưa ra mức giá phù hợp dễ dàng hơn trước.
Phân khúc được các nhà đầu tư quan tâm nhất trong năm nay được dự báo là văn phòng và đất dự án để thực hiện các khu phức hợp căn hộ và thương mại dịch vụ. Đối với phân khúc khách sạn, những sản phẩm ở vị trí đắc địa vẫn được quan tâm, song giá chào bán sẽ bị sụt giảm. Với dự án đất xây dựng, nếu quy trình xin phê duyệt tổng mặt bằng và quy hoạch kiến trúc đến cấp giấy phép xây dựng không được đẩy nhanh tiến độ, thì chủ đầu tư sẽ bị đọng vốn và không thể chuyển nhượng khi giấy phép chưa hoàn tất.
Còn bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, kênh M&A vẫn tiếp tục gia tăng mạnh do giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang gây ra tình trạng khan vốn cho các doanh nghiệp.
“Thị trường đã xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư yếu năng lực tài chính đang tìm kiếm, chào mời để chuyển nhượng dự án theo hình thức M&A hoặc cổ phần. Xem xét số liệu từ quá khứ cũng cho thấy, khi thị trường rơi vào khủng hoảng, thì hoạt động M&A diễn ra rất sôi động”, bà Dung phân tích.
Có thể nói, chưa lúc nào hoạt động M&A, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp địa ốc phía Nam lại diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. “Việc mua lại quỹ đất rất thuận lợi. Hiện có hơn 200 dự án đang chào bán lại cho Đất Xanh, mở ra cơ hội chưa từng có để doanh nghiệp phát triển quỹ đất”, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh cho biết.
Theo các chuyên gia bất động sản, M&A là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch, thực hiện dự án. Việc M&A các dự án không chỉ giúp doanh nghiệp rút ngắn về thủ tục, mà còn là thương vụ "win - win" cho các bên, cũng như cho thị trường.