Nhà phố, biệt thự Sài Gòn cạn nguồn cung?

Theo một số công ty nghiên cứu thị trường, sau một vài tháng trầm lắng, các chủ đầu tư không ra dự án mới, hiện thị trường nhà phố và biệt thự tại TP.HCM đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung sơ cấp, trong khi thị trường thứ cấp ghi nhận sư sôi động.

 

Nhà thấp tầng khan hiếm nguồn cung mới

Báo cáo quý 3/2018 của Savills Việt Nam đã chỉ ra, phân khúc biệt thự, nhà liền kề có 6 dự án mới với quy mô nhỏ cung cấp cho thị trường khoảng 650 căn. Nguồn cung sơ cấp khoảng 1.200 căn giảm 26% theo quý và 39% theo năm.

CBRE Việt Nam cũng cho rằng, thị trường nhà phố và biệt thự xây sẵn tại Tp.HCM đã trải qua một quý trầm lắng về nguồn cung. Bên cạnh đó, các dự án mở bán ở quý này chủ yếu có quy mô nhỏ (dưới 20 căn/dự án) với giá bán dao động từ 2.273 USD/m2 đất.

Chính sự thiếu hụt nguồn cung sơ cấp nên hoạt động trên thị trường diễn biến mạnh ở thị trường thứ cấp. Mặc dù giá cao nhưng các sản phẩm biệt thự, nhà liền kề vẫn ghi nhận sức giao dịch khá ấn tượng.

Theo CBRE, trong quý 3/2018, toàn thị trường đã tiêu thụ thêm được tổng cộng 617 sản phẩm, tăng 69% so với quý trước, hầu hết số lượng căn bán được trong quý thuộc về các dự án đã triển khai mở bán trước đây.

Xét theo các khu vực bán hàng thuộc Tp.HCM, khu Đông vẫn là khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số các giao dịch của toàn thị trường. Trong đó, Q.2 chiếm 33% số giao dịch và Q. 9 chiếm 45% số giao dịch trên địa bàn TP.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, do sự thiếu hụt về nguồn cung mới nên hoạt động chủ yếu diễn ra sôi nổi ở thị trường thứ cấp, đặc biệt là với sản phẩm nhà phố. Điều này thể hiện ở việc giá bán thứ cấp cho loại hình sản phẩm nhà phố xây sẵn tại một số trường hợp trong quý 3 đã tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Nhìn chung, quỹ đất sạch thuộc khu vực gần trung tâm TP.HCM đang dần cạn kiệt nhanh chóng. Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối khu vực nội thành Tp.HCM với các vùng lân cận được triển khai xây dựng hoặc được cấp phép triển khai đã rút ngắn đáng kể thời gian đi lại. Do đó xu hướng phát triển trong tương lai sẽ lan tỏa sang các khu vực ở vùng ven của Tp.HCM hoặc các tỉnh lân cận, nơi mà quỹ đất vẫn còn khá dồi dào", bà Dương Thùy Dung khẳng định.

Thiếu hụt nguồn cung, nhiều nguồn cung mới rục rịch bung hàng

Thực chất diễn biến nguồn cung của thị trường nhà phố, biệt thự Tp.HCM thời gian qua cũng khá dễ hiểu. Bên cạnh quỹ đất ngày càng khan hiếm thì phân khúc này được các chuyên gia nhìn nhận, đang có sự thanh lọc rõ nét ở các doanh nghiệp và các dự án trên thị trường. Những dự án chất lượng, được đầu tư tiện ích bài bản ra hàng vẫn rất tốt, giá tăng theo thời gian.

Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu vào những tháng cuối năm, các chủ đầu tư dự án ở phân khúc này có tăng tốc ra hàng và tăng giá bán trước bối cảnh nguồn cung thiếu hụt?

Theo dự báo của DKRA Việt Nam, đến quý 4/2018, nguồn cung nhà phố không có nhiều đột biến, dự báo ở mức 200-300 căn. Khu vực phía Đông tiếp tục duy trì tỉ trọng lớn trong nguồn cung. Đa phần nguồn cung sơ cấp ra hàng trong quý 4 sẽ rơi vào loại hình hạng sang có mức giá 13-15 tỉ đồng/căn.

Theo thông tin từ Tập đoàn Đại Phúc, trong quý 4 đơn vị này sẽ giới thiệu ra thị trường 100 căn nhà phố thương mại, nhà phố liên kế ven sông với mức giá hơn 13 tỉ đồng/căn.

Đầu tháng 10, doanh nghiệp này đã đồng loạt cất nóc 200 căn nhà phố thương mại tại khu Đô thị Vạn Phúc (Q.Thủ Đức). Đây là dãy nhà phố có tốc độ bán hàng khá ấn tượng trước đó và hiện tại thị trường thứ cấp đã tăng giá. Đại diện Công ty CP BĐS Đại Phúc Land cho hay, song song với công tác bàn giao nhà cho khách trong quý 4 đơn vị còn triển khai nhiều hoạt động khởi công các công trình tiện ích nhằm phụ vụ cư dân.

Cũng ở khu Đông, Công ty Địa ốc Phú Long khá thành công với sản phẩm nhà phố, biệt thự thuộc dự án Dragon Village. Minh chứng là sản phẩm đều được tiêu thụ nhanh chóng và tăng giá ở mỗi đợt bán hàng.Theo đơn vị này, từ giờ đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, tiện ích dự án.

Đại diện MIK cũng cho hay, những tháng cuối năm đơn vị chủ yếu bán các căn còn lại của dự án song song với công tác xây dựng, bàn giao nhà.

Theo ghi nhận, từ giờ đến cuối năm 2018, các chủ đầu tư biệt thự, nhà liền kề chủ yếu chào bán giai đoạn tiếp của dự án, dường như vắng bóng các dự án triển khai "mới tinh" quy mô lớn trên địa bàn. Điều đó nhận định cho vấn đề, nguồn cung biệt thự, nhà liên kế Tp.HCM tiếp tục khan hiếm, ít nhất là đến thời điểm cuối năm 2018.

Thực chất, giá bán thứ cấp của loại hình nhà phố, biệt thự tại Tp.HCM đang có mức tăng khá ấn tượng, dao động từ 20-30% so với cùng kỳ. Dòng tiền của NĐT vẫn đổ mạnh vào đây với xu hướng đầu tư dài hơi cho thuê hoặc chuyển nhượng lại ở thời gian đủ dài.

Theo các chuyên gia, câu chuyện ở phân khúc này không phải là giá thành cao hay thấp khi chào bán trên thị trường, sức cầu ra sao và tăng giá thế nào mà là bài toán nằm ở chính chủ đầu tư dự án. Nếu chủ đầu tư biết cách chọn thời điểm ra hàng, chịu đầu tư bài bản cho dự án thì không lo thanh khoản. Có rất nhiều dự án giá thành cao nhưng bán hàng khá tốt, ngược lại nhiều dự án giá thấp ra hàng vẫn khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, không giống như phân khúc đất nền phân lô bị giới đầu cơ thổi giá mặc dù hạ tầng không đồng bộ, ở phân khúc biệt thự, nhà liền kề trong các khu đô thị giá thứ cấp tăng thường đi đôi với việc đầu tư tiện ích, hạ tầng của chủ đầu tư, hay còn gọi là giá trị cộng thêm từ dự án. 

"Cũng không thể vinhết vào yếu tố khan nguồn cung nên giá biệt thự, nhà phố liên kế tăng lên mà chính giá trị gia tăng từ tiện ích, hạ tầng đồng bộ mới là yếu tố quyết định đến việc tăng giá thứ cấp của loại hình này", bà Hương khẳng định.

Hạ Vy

Theo Trí thức trẻ