Môi giới địa ốc giảm 80% thu nhập

Tháng 6, anh Toàn, môi giới tại khu Nam ế khách, lương cơ bản giảm vì công ty tạm nghỉ, thu nhập bằng 20% so với cùng kỳ.

Môi giới này kể, từ tháng 6, thu nhập rơi thẳng đứng, xuống thấp nhất kể từ khi theo nghề do công ty bắt đầu áp dụng cơ chế tạm nghỉ. Doanh thu 12 tháng qua quá kém, đến tháng 6 không đủ chi phí duy trì hệ thống nên công ty anh Toàn dừng chi nhánh phía Nam và phía Tây. Hầu hết nhân viên sale bất động sản nghỉ việc tìm cơ hội khác. Những người trụ lại áp dụng chế độ cộng tác viên, mức lương cơ bản vốn đã thấp, cũng giảm xuống mức tối thiểu chỉ còn mang danh nghĩa hỗ trợ vượt khó vài ba triệu đồng một tháng.

Xem thêm >> bán đất dự án T&T Thái Sơn

Anh Toàn giải thích, phần vì không có dự án mới để bán, phần vì thị trường thứ cấp trầm lắng, đất nền đứng, khách mua căn hộ ngày càng khắt khe và cho thuê nhà ế ẩm mùa dịch nên phí môi giới của anh bằng không.

"Lương mềm là hoa hồng không có, lương cơ bản về mức tượng trưng vì công ty quá khó khăn nên thu nhập của tôi giảm 80% so với năm ngoái", anh Toàn nói và cho biết, vài tháng qua, gia đình chi tiêu bằng tiền lương eo hẹp của vợ.

Cũng chật vật vì đợt dịch lần thứ tư quá phức tạp, số ca nhiễm tăng cao, nhiều nơi phong tỏa, anh Minh, môi giới bất động sản khu Đông TP HCM thừa nhận thu nhập tháng 6 còn bị âm sau khi trừ đi chi phí. Thị trường gần như không hoạt động trong tháng qua, khách hàng đều đặt vấn đề sức khỏe lên hàng đầu để phòng dịch bệnh nên anh không thể chốt bán sản phẩm nào, mọi cuộc hẹn đều dời lại sau dịch.

"Lương cơ bản 7 triệu đồng mỗi tháng, nhưng chi phí chạy marketing đã tốn hơn chục triệu đồng, cộng thêm phí môi giới bằng không do chưa bán được hàng nên thu nhập của tôi bị âm gần 4 triệu đồng. Bây giờ nghề nào cũng khó khăn cả nên mình chấp nhận", anh Minh tâm sự.

Môi giới bất động sản giới thiệu dự án cho khách hàng giai đoạn hoàng kim của thị trường địa ốc 2016-2018. Ảnh: Hải Khoa.

Môi giới bất động sản giới thiệu dự án cho khách hàng giai đoạn hoàng kim của thị trường địa ốc 2016-2018. Ảnh: Hải Khoa.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á xác nhận, ảnh hưởng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư vượt quá sức chịu đựng của nhiều sale bất động sản và cả các công ty môi giới địa ốc.

Khoảng 80% công ty môi giới bất động sản có hệ thống quy mô trung bình 50-70 sale tại TP HCM đã gồng mình từ năm ngoái đến nay đều gần như trụ không nổi. Đa phần các công ty môi giới tại TP HCM đều cắt giảm nhân sự, đóng bớt văn phòng, cắt giảm 30-50% lương cơ bản hoặc nợ lương theo hình thức hẹn trả chậm. Điều này dẫn đến thu nhập của môi giới các công ty vừa và nhỏ bị giảm trung bình 60-80%.

CEO Ngọc Châu Á cho hay, có những trường hợp chủ doanh nghiệp môi giới bất động sản vì muốn duy trì ở mức tối thiểu quy mô toàn hệ thống để chờ cơ hội hậu Covid-19 đã phải đi vay nợ để trả lương cho các nhân viên còn bám trụ. Các nhóm công ty môi giới này hiện gặp rất nhiều khó khăn và cũng nhiều rủi ro do đợt dịch thứ tư.

Theo nhận định của ông Hạnh, 5 tháng đầu năm, nếu công ty nào không có sản phẩm bán hoặc không có chiến lược chuẩn bị rổ hàng tiềm năng để bán, doanh thu xác định bết bát đến tận quý III, thậm chí quý IV cũng khó lội ngược dòng. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó tiên lượng khi nào dịch kết thúc.

Đa phần các công ty chỉ chuyên phân phối bất động sản và sống nhờ vào doanh thu từ phí môi giới sẽ không thể cầm cự nổi đến quý II-III/2021. Những công ty môi giới có thêm mảng đầu tư có thể trụ lâu hơn, nhưng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp và phong tỏa kéo dài, nhóm này nhiều khả năng sẽ thu hẹp quy mô và tiếp tục cắt giảm nhân sự để phòng thủ.

Xem thêm >>> đất nền Long Hậu

Nhóm môi giới bất động sản làm việc cho các chủ đầu tư lớn, có tên tuổi hoặc những công ty niêm yết, còn có thể trụ được do lương cơ bản cao nhất lên đến 10 triệu đồng một tháng, lương cứng trung bình 5-7 triệu tùy bậc. Trong khi đó, môi giới bất động sản làm việc cho các sàn phân phối nhỏ không có sản phẩm tốt để chào bán ra thị trường, cũng không có tiềm lực tài chính để duy trì hệ thống mất doanh thu trong một thời gian dài, thường sẽ lâm cảnh "đói kém" do lương cơ bản thấp, phí môi giới bằng không. Các công ty môi giới quy mô chỉ 5-7 sale thường chỉ bán hàng chụp giật, cộng tác với nhiều sàn khác để kiếm thêm hoa hồng (phí môi giới) thu nhập lao dốc, giảm 70-80%, do thanh khoản thị trường xuống thấp.

Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: "Thu nhập của môi giới bất động sản tại TP HCM hiện giảm trung bình 40-50% so với 6 tháng trước nếu là công ty quy mô lớn. Với công ty nhỏ, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, các nhân viên môi giới bị sụt doanh số do thị trường khó khăn, thanh khoản kém đã giảm đến 70-80% thu nhập".

Do lượng giao dịch trên thị trường địa ốc lao dốc mạnh so với trước dịch nên thu nhập của môi giới cũng giảm sâu. Bởi lẽ, thu nhập của sale bất động sản từ nguồn hoa hồng bán hàng là chính, lương cơ bản hàng tháng không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm trung bình 12-15 triệu đồng một tháng. Sau bốn đợt dịch, thu nhập của môi giới hiện không đủ chi tiêu, phần lớn trang trải cuộc sống từ các nguồn tiền đã tích luỹ từ trước.

Ông Lâm phân tích, khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát giữa năm 2021, các diễn biến phức tạp hơn năm 2020 rất nhiều. Tất cả các công ty môi giới phần lớn đều gặp rất nhiều khó khăn, giao dịch giảm mạnh do ảnh hưởng trực tiếp từ việc số ca nhiễm tăng, nhiều nơi phong tỏa. Khách hàng quan tâm vấn đề an toàn sức khoẻ, cũng như việc tiếp xúc trực tiếp khó khăn và bị hạn chế nên việc tìm hiểu thông tin các dự án tại dự án, công ty hoặc văn phòng nhà mẫu cũng giảm mạnh. Nguồn cung sản phẩm cũng có những trở ngại khi chủ đầu tư nhìn thấy bức tranh chưa thuận lợi có thể sẽ cân nhắc việc tung sản phẩm giai đoạn hiện nay và chờ đợi.

Các công ty môi giới chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là quy mô nhỏ chuyển sang giảm nhân sự hoặc "tạm nghỉ", đợi thị trường ổn thì quay lại, vì vậy, nhiều môi giới cũng sẽ rời bỏ ngành vào lúc này. Nhóm thứ hai là các công ty lớn có tiềm lực và tiếp cận được rổ hàng để bán, vẫn duy trì nguồn lực để chuẩn bị cho những mục tiêu dài hạn.

Ông Lâm cho biết, hiện chưa có thống kê đầy đủ, nhưng dịch bệnh đã đẩy một lượng lớn các công ty môi giới địa ốc quy mô vừa và nhỏ rời thị trường vì không đủ năng lực duy trì hệ thống, kéo theo nhiều sale bất động sản thất nghiệp. Đây là cuộc đại sàng lọc ngành môi giới, dẫn đến số lượng sale địa ốc bỏ nghề, chuyển nghề tăng mạnh hoặc nếu muốn bám trụ, môi giới sẽ phải dịch chuyển về các công ty lớn để tìm nơi trú bão, vượt khó mùa dịch.

Theo Trung Tín

VnExpress