Môi giới bất động sản liệu có phải nghề dễ vỡ mộng?
Vào nghề được 3 năm, phải thừa nhận một điều, môi giới là nghề có tỷ lệ nhân sự bỏ việc giữa chừng khá cao. Có người sau 1, 2 hoặc vài năm nhưng có người chỉ sau vài tháng là từ bỏ.
Còn người đời thì vẫn gắn mác “cò đất”, “dùng miệng để kiểm ăn”, “ai mà chả làm được” cho những người hành nghề này. Nhưng sự thật là, môi giới là công việc rất khó khăn. Vì vậy nhiều người thấy “vỡ mộng” nên sớm “bỏ cuộc chơi”.
Làm môi giới bất động sản là phải quen với việc bị khách cho leo cây. Sẽ có những ngày, chạy đi chạy lại hơn trăm cây số để dẫn khách đi xem căn hộ. Đến nơi gọi mãi khách không nghe. Đợi giữa trưa nắng hơn 1 giờ đồng hồ thì thấy tin nhắn “để chị suy nghĩ thêm đã, rồi liên lạc với em”.
Mà chuyện này thì xảy ra như cơm bữa. Lương cứng thì được 3 cọc 3 đồng, chi tiêu sinh hoạt, đóng tiền nhà hết sạch. Mỗi tháng thêm vài lần leo cây như này nữa, nản lắm luôn.
Rồi có những khách mình tư vấn hết nước hết cái, nói chuyện điện thoại chán chê, giã họng chốt cọc căn hộ. Nhưng khi dẫn đến xem lại thay đổi ý định, với lý do chuối cả nải “anh không thích nữa”.
Cũng không thể trách các bạn khi bỏ nghề giữa chừng được. Vì một vài khó khăn kể trên là quá đủ để say bye rồi. Nghe mấy người thành công trong nghề rủ rê, mang theo ước mơ sớm giàu rồi lại vỡ mộng. Vì nghề này khó khăn quá, chắc không hợp nghề rồi.
Trên là nói về những người không tìm thấy chân ái ở nghề môi giới. Chứ nghề này "nên duyên" nhiều mối tình lắm, vì nhiều môi giới thành công lắm. Mua nhà, mua đất chứ có phải mua mớ rau ngoài chợ đâu. Mình làm môi giới, phải hiểu và chiều ý khách tý.
Nghề này cũng chẳng phải như mọi người hay nghĩ “ai cũng làm được”, làm gì có chuyện dễ ăn thế. Để trở thành người môi giới thành công, đòi hỏi anh cũng phải có cái gì đấy.
Đầu tiên là phải kiên trì, thấy bại không nản. Mua miếng đất, cái nhà, căn hộ chứ có phải mua mớ rau ngoài chợ đâu mà khách một phát chốt ăn ngay được. Ngoài ra anh cũng phải có kiến thức về bất động sản. Cái thời mà “uốn 3 tất lưỡi” là có thể tạo cơn sốt đất, bán xong căn nhà đã qua rồi. Giờ khách hàng họ thông minh lắm, biết ngay ông nào môi giới giỏi, ông nào “cò đất” lởm. Vì vậy, phải trang bị kiến thức thì khách mới an tâm “chọn mặt gửi vàng” được.
Xây dựng uy tín và thương hiệu cá nhân cũng là yếu tố giúp bạn thành công với nghề này. Bởi thị trường giờ những ông “cò đất” lợi dụng cơ hội thổi giá thành cơn sốt đất, chộp giật, thủ đoạn sẽ không có chỗ đứng. Khi bạn xây dựng được uy tín cho mình và có thương hiệu cá nhân riêng, khách hàng sẽ an tâm làm việc với bạn. Đừng bán cho khách những bất động sản lởm chỉ vì hoa hồng cao. Lợi trước mắt thôi nhưng hại về sau đó. Mình làm nghề này, cũng phải đặt lợi ích khách hàng lên đầu. Bạn cứ bán cái chất lượng, tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm thì chả có cớ gì thành công lại không đến với bạn cả.
Nguồn Sưu Tầm