Doanh nghiệp địa ốc chạy đua kích cầu thị trường bất động sản
Bên cạnh các doanh nghiệp BĐS dời kế hoạch ra hàng do ảnh của dịch, các doanh nghiệp khác vẫn chào dự án mới kèm các chương trình kích cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Không thể phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng. Các dự báo cho rằng, làn sóng thứ 2 của dịch sẽ khiến các doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn hơn về dòng tiền nếu việc mở bán bị hoãn lại hoặc nhu cầu thị trường giảm mạnh.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, với các doanh nghiệp BĐS, vừa trải qua đợt khó khăn, mới hoạt động trở lại sau vài tháng thì tiếp tục gặp dịch bệnh nên sự tổn thất về nhân sự, tài chính sẽ khá lớn. Với khách hàng, nguồn tài chính eo hẹp hơn, họ sẽ tập trung vào việc giữ tiền mặt để ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu, hạn chế tập trung đi lại và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của BĐS.
Theo vị chuyên gia này, đối với nhân viên bán hàng, môi giới BĐS sẽ còn khó khăn hơn vì không có nguồn cung để chào hàng, không có khách để giao dịch, từ đó sẽ không có doanh thu. Số doanh nghiệp, sàn giao dịch ngừng nghỉ hoạt động, phá sản có thể tiếp tục tăng lên.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp địa ốc đã có những phương án đối phó khác nhau. Trong đó, có những doanh nghiệp bất chấp dịch vẫn giới thiệu dự án ra thị trường kèm các chương trình kích cầu. Một số thì dừng hoạt động chào bán, tập trung mạnh vào khâu đào tạo nhân sự, mở rộng chi nhánh.
Chẳng hạn như, Công ty Nam Long thông báo hỗ trợ cho khách hàng mua sản phẩm tại 2 dự án Mizuki Park và Akari City. Cụ thể, khách hàng mua căn hộ 3 block mới MP6, MP7, MP8 thuộc giai đoạn 2 (dự án Mizuki Park) sẽ được hưởng ưu đãi của chương trình tiết kiệm nhà ở. Còn tại dự án Akari City, chủ đầu tư hỗ trợ bằng cách đưa ra phương thức thoanh toán chỉ đóng 50% giá trị hợp đồng trong thời gian xây dựng, cho đến khi nhận nhà với nhiều đợt thanh toán chia nhỏ.
Hay, đại diện Tập đoàn Nam Group cũng đưa ra chính sách cam kết hấp dẫn khi mua lại sản phẩm ở phân khu nhà phố thương mại The Sound (thuộc dự án Thanh Long Bay). Cụ thể, nếu nhà đầu tư không muốn nhận nhà để khai thác kinh doanh, đơn vị này cam kết mua lại sản phẩm với lãi suất 12% như một chính sách bảo toàn vốn và lãi tối thiểu cho nhà đầu tư. Ngoài ra, khách hàng thanh toán 30%, được ưu đãi lãi suất 0%, ân hạn nợ gốc cho đến khi nhận nhà.
Tương tự, đại diện Cát Tường Group cho biết, trong đợt công bố bán tiếp giai đoạn dự án Cát Tường Western Pearl mới đây, đơn vị dành chương trình chiết khấu "mạnh tay" cho khách hàng mua sản phẩm. Cụ thể, với khách hàng tham dự có cơ hội sở hữu voucher chiết khấu 50% giá trị sản phẩm đất nền cùng các giải thưởng khác. Riêng, khách hàng giao dịch thành công sẽ nhận được loạt giải thưởng như laptop, tivi…gói chiết khấu lên đến hàng trăm triệu đồng/mỗi đợt.
Ghi nhận cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề về mặt kinh doanh cũng như tâm lý khách hàng thì việc các doanh nghiệp BĐS có sản phẩm vẫn đi "ngược sóng" được xem là mặt tích cực của thị trường địa ốc ở giai đoạn này. Thay vì chọn cách "ngủ đông", nhiều doanh nghiệp vẫn chạy các chương trình kích cầu để đưa sản phẩm ra thị trường, đón đầu nhu cầu dù còn nhiều khó khăn ở thời điểm này.
Xem thêm >>> bán đất huyện Nhà Bè
Trả lời trên báo chí trước đó, ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp BĐS cần có 3 yếu tố: thứ nhất, tung ra được sản phẩm mới trong khi những doanh nghiệp khác tạm hoãn kế hoạch ra hàng. Thứ hai, sản phẩm ra mắt phải thỏa đáng với những điều kiện về chất lượng, giá cả, vị trí tốt. Thứ ba, có được một đối tác (đại lý bán hàng) có uy tín và năng lực bán hàng tốt để cùng đồng hành với doanh nghiệp. Nếu hội đủ 3 yếu tố nêu trên thì doanh nghiệp có thể vững vàng trong việc kinh doanh và có thể đi "ngược sóng" trong giai đoạn này.
Đại diện Đại Phúc Land cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm doanh số quý 1 của doanh nghiệp giảm 50%, sang quý 2 đã ghi nhận được sự phục hồi nhưng chưa cao. Tâm lý của khách hàng có phần thận trọng hơn, vì vậy kịch bản cho sự thay đổi này doanh nghiệp phải sẵn sàng. Trước mắt là khi nhìn ra thị trường chưa rõ thì doanh nghiệp cần nhìn lại mình để thay đổi phù hợp, hướng đi sắp tới của doanh nghiệp có thể sẽ đưa ra sản phẩm phù hợp với thu nhập của khách hàng.
Theo đơn vị này, các doanh nghiệp BĐS phải xác định phải "sống chung" với dịch bệnh trong vòng 6-12 tháng sắp tới khi mà vaccine chính thức vẫn chưa được công bố và tình hình dịch bệnh ở các nước vẫn còn phức tạp. Cần ít nhất 12-24 tháng sau đó để từng bước hồi phục nền kinh tế và nối lại chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu.
Còn ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding cho hay, hiện nay các dự án bên của công ty đều dời lại kế hoạch ra hàng do ảnh hưởng dịch. Tuy vậy, công ty đang tập trung mở rộng hệ thống các chi nhánh như Bình Dương, Gia Lai; mở rộng và đào tạo đội ngũ nhân sự cho chất lượng để bật dậy sau dịch.
"Đây là giai đoạn khó khăn các sàn khác đóng cửa thì mình mở. Theo dự báo BĐS sẽ hồi phục rất nhanh khi kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Vì thế, doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị các nguồn lực để đi đường dài", ông Hậu cho biết.
Bên cạnh đó, ông Hậu cho biết, giai đoạn này doanh nghiệp tập trung M&A các dự án phù hợp và tìm kiếm phát triển dự án có vị trí tiềm năng đầu tư. Đồng thời, chuẩn bị kỹ hơn cho concept dự án được chỉnh chu để ra mắt khách hàng sau khi dịch được kiểm soát.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ