Cuộc đua săn bất động sản công nghiệp

Nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh liên doanh với các nhà phát triển công nghiệp nội địa, thâu tóm quỹ đất và tài sản công nghiệp đang vận hành.

Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp với hiện tượng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tích cực gia nhập thị trường sôi động này.

Nhu cầu đối với các tài sản công nghiệp Việt Nam được ghi nhận đang trong chu kỳ tăng nóng. Các nhà đầu tư để mắt đến phân khúc này bởi năng suất làm việc cao và chi phí lao động thấp ở Việt Nam. Và những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gần đây góp phần đẩy nhanh quá trình quyết định di dời của các tập đoàn.

Tập đoàn Sharp cũng vừa công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam, trong khi công ty sản xuất giày Brooks Running của Mỹ đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang nước lân cận.

Foxconn, nhà cung cấp linh kiện cho tập đoàn Apple đã mở rộng tại Việt Nam bằng việc mua lại một nhà máy sản xuất linh kiện nội địa vào tháng 7/2019, sau khi được cấp giấy phép hồi tháng 2. Theo nghiên cứu từ Nikkei Asian Review, gần 70% trong số 33 công ty Trung Quốc được khảo sát đang có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài và cân nhắc chọn Việt Nam làm điểm đến.

Một lãnh dạo cấp cao của BW Industrial, đại gia bất động sản công nghiệp nước ngoài đang bành trướng quỹ đất công nghiệp lên đến 230 ha phân bổ tại 10 địa điểm tọa lạc trên 6 tỉnh thành của Việt Nam tiết lộ sẽ tiếp tục tăng quỹ đất lên gấp 3-5 lần trong vòng 4 năm tới. Mục đích nhằm khai thác triệt để tiềm năng của thị trường công nghiệp - thương mại điện tử - logistics tại Việt Nam.

BW Industrial cho biết, nếu lấy cột mốc từ tháng 10/2018, thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu bước vào giai đoạn căng thẳng đến tháng 5/2019, số lượng đơn hàng từ khách thuê nhà xưởng, kho bãi của công ty tại Việt Nam đang tăng lên gấp đôi.

Một khu công nghiệp có vốn ngoại đang hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: BW Industrial

Một khu công nghiệp có vốn ngoại đang hoạt động tại Việt Nam.

Cơn sóng ngầm săn lùng quỹ đất công nghiệp tại thị trường Việt Nam đang khiến giá đất công nghiệp tăng cao, cộng thêm tác động của chu kỳ hậu sốt đất, chi phí thuê kho bãi, nhà xưởng cũng leo thang. Tính đến đầu quý III/2019, mức giá thuê đất công nghiệp trung bình ở miền Nam và miền Bắc tại Việt Nam là 95 USD mỗi m2 trên tổng thời hạn thuê, tăng lần lượt 15,8% và 6,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Diễn biến này đang làm giảm đi phần nào tính hấp dẫn do chi phí rẻ tại thị trường công nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa có kết cục rõ ràng. Thế nhưng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang ít nhiều hưởng lợi từ điều này và đạt đà tăng trưởng cao.

Bà Khanh dẫn nguồn dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vốn giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nửa đầu năm 2019 đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2018. Có 1.723 dự án mới đăng ký trị giá 7,41 tỷ USD, tăng 63% so cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chỉ là một phần nguyên nhân của sự gia tăng đầu tư. Các hiệp định thương mại tự do như là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng tạo động lực lớn cho đà tăng trưởng. Thêm vào đó, nhu cầu hàng tiêu dùng trong nước duy trì ở mức cao do tầng lớp trung lưu gia tăng và lực lượng lao động dồi dào.

Tuy nhiên, các công ty đã có mặt tại Việt Nam cũng đưa ra những mối lo ngại trong việc tìm kiếm nguồn lao động tay nghề cao, chuỗi cung ứng có chất lượng tương ứng với nguồn hàng mà họ đã sử dụng ở Trung Quốc. Bà Khanh cũng cảnh báo rằng cơ sở hạ tầng sẽ gặp nhiều thử thách để bắt kịp đà tăng trưởng các doanh nghiệp sản xuất chuyển hướng sang Việt Nam.

Nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự chậm trễ do quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và dòng vốn. Để thu hút thêm đầu tư nước ngoài, đón đầu những lợi ích của các công ty di chuyển đến đây, Việt Nam sẽ cần cải thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng và quá trình thực hiện các giao dịch xuyên biên giới.

Vũ Lê

Theo VnExpress.vn