Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Đó là một trong những nội dung của Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2018 của Chính phủ vừa ban hành.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát các thủ tục liên quan đến đầu tư công, tập trung hoàn thiện các thủ tục giao hết số vốn còn lại chưa giao của kế hoạch đầu tư công năm 2018; rà soát tiến độ giải ngân của các dự án, nhất là các dự án ODA; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2018 tình hình giải ngân vốn đầu tư công của từng bộ, ngành, địa phương và đề xuất giải pháp cụ thể đẩy nhanh tốc độ giải ngân trong các tháng cuối năm.
Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát nhu cầu sử dụng vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương, khả năng huy động nguồn trái phiếu Chính phủ hàng năm để cân đối, giao kế hoạch phù hợp.
Theo các số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 tháng đầu năm 2018, tín dụng ngân hàng TP. HCM tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm 2017. Con số này của cả nước là khoảng 7,8%, tăng trưởng phù hợp với định hướng của ngân hàng trung ương, phù hợp với giải pháp tiền tệ tín dụng trong năm 2018.
Về cơ cấu tín dụng, tín dụng trung dài hạn chiến khoảng 53% trong khi đó tín dụng ngắn hạn là 47%, cơ cấu này đã duy trì suốt trong 4 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngắn hạn có cao hơn tín dụng trung dài hạn trong 6 tháng đầu năm, chất lượng tín dụng được kiểm soát, đảm bảo nợ xấu khoảng 3%.
Trong đó tín dụng bất động sản, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng tại TP. HCM, trên cả nước là 7,8%. Theo các chuyên gia bất động sản, tỷ trọng dư nợ bất động sản tầm khoảng 8% đến 10% là nằm trong mức an toàn.
Trước thông tin về việc các ngân hàng đang siết chặt tín dụng vào bất động sản sẽ gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của thị trường bất động sản. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng tổng hợp NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng thông tin này chưa thật sự chính xác.
Ông Lệnh cho biết, chính sách tiền tệ tín dụng trong 5 năm qua gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện rất tốt để nền kinh tế vĩ mô có thể thuận lợi phát triển, thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển, ổn định thị trường, phục hồi uy tín của giới ngân hàng qua đó cũng tác động tích cực lên thị trường bất động sản.
Trần Phong
Theo cafeland