Bùng nổ nguồn cung mặt bằng bán lẻ ven đô

TP HCM - Cuối năm 2020, các khu thương mại hiện đại sắp gia nhập thị trường nằm ngoài trung tâm chiếm hơn 80% nguồn cung.

Theo báo cáo triển vọng thị trường mặt bằng bán lẻ TP HCM của Savills Việt Nam, trong 3 tháng cuối năm 2020, thị trường mặt bằng bán lẻ hiện đại tại đô thị này dự kiến đón thêm hơn 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80% thị phần.

Xem thêm >>> bán đất huyện Nhà Bè

Đến quý III, tổng nguồn cung bán lẻ hiện đại tại Sài Gòn đạt gần 1,5 triệu m2, tăng 5% theo năm. Trong đó, nguồn cung từ các trung tâm mua sắm chiếm tỷ trọng cao nhất 62% và tăng trưởng liên tục với trung bình 17% mỗi năm. Điểm đáng chú ý là loại hình khu bán lẻ hiện đại có xu hướng chuyển dịch ra các khu vực vùng ven với tốc độ tăng trưởng nguồn cung hơn 20% mỗi năm trong khi tại khu trung tâm gần như ổn định trong nửa thập niên trở lại đây.

Thị trường bán lẻ dịch chuyển theo trục đô thị phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Thị trường bán lẻ dịch chuyển theo trục đô thị phía Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Trong quý III, các trung tâm thương mại vẫn duy trì tỷ lệ lấp đầy ở mức cao 95%, trong khi giá chào thuê trung bình gần như không đổi (do không tính mức giảm hỗ trợ mùa dịch 10-30% trên giá thuê trong ngắn hạn và giảm phí dịch vụ). Việc kiểm soát tốt đợt Covid-19 thứ hai ở miền Trung đã giúp các trung tâm thương mại tại TP HCM đạt công suất cao. Ngoài ra, các trung tâm thương mại cung cấp dịch vụ tích hợp từ mua sắm, giải trí và ẩm thực có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua sắm, từ đó tăng lưu lượng người mua, tham quan và tiếp đến tạo doanh thu cũng như quảng bá thương hiệu cho khách thuê tại đây.

Đơn vị này cho hay, hiện các nhà bán lẻ vẫn còn khá thận trọng khi đưa ra quyết định thuê mặt bằng hay mở rộng quy mô kinh doanh. Nhiều nhãn hàng nước ngoài hiện tạm hoãn kế hoạch gia nhập thị trường và nhiều doanh nghiệp hạn chế mở rộng thị trường có thể ảnh hưởng đến công suất thuê của thị trường. Khách thuê thuộc ngành hàng F&B (dịch vụ ăn uống) và thời trang cũng có động thái trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí.

Tuy nhiên, Savills dự báo, trong những tháng cuối 2020 và quý I/2021, với triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá tích cực so với các nước trong khu vực, tiêu dùng nội địa tăng vào mùa mua sắm và tác động từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt mới nhất là EVFTA sẽ tạo động lực thúc đẩy cho ngành bán lẻ.

Theo Trung Tín

VnExpress