Bất động sản TP HCM được kỳ vọng sôi động trở lại nhờ loạt yếu tố

TP HCM đưa ra nhiều kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho dự án có đất xen cài, nguồn gốc đất do đền bù... Nhiều dự án hạ tầng giao thông được thành phố dự kiến khởi công trong năm nay. Đề án "thành phố phía Đông" được đánh giá tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

Xem thêm >>> Bán đất Hiệp Phước Nhà Bè

Các nút thắt đang được tháo gỡ

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trong buổi gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp bất động sản (BĐS) hồi tháng 2 từng chỉ đạo lập tổ công tác họp hàng tuần để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Ông ra thời hạn đến ngày 30/4, các ban, ngành phải giải quyết xong, đưa ra hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp. Được biết ngay sau đó, tổ công tác đã có tuần làm việc đầu tiên với khoảng 3 doanh nghiệp.

Bất động sản TP HCM được kỳ vọng sôi động trở lại nhờ loạt yếu tố - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại hội nghị tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp BĐS ngày 22/2. Ảnh: Lê Xuân

Đây chỉ là một trong những động thái ban đầu để TP HCM gỡ khó cho doanh nghiệp BĐS trước những vướng mắc tồn tại nhiều năm, làm thị trường ngưng trệ. Trong năm 2019, TP HCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, thành phố chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án.

Không chỉ ở nội dung cuộc họp, TP HCM còn có nhiều văn bản, đề xuất giải quyết vướng mắc, như kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ cho dự án có đất công, đất xen cài; gỡ vướng các dự án đã có quyết định giao, cho thuê đất. Cụ thể, với dự án có đất xen cài, TP HCM kiến nghị nếu dự án có quỹ đất công dưới 1.000 m2 thì giao chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch. Nếu dự án có quỹ đất công lớn hơn 1.000 m2 thì được hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng.

Với các dự án đã có quyết định giao đất, thuê đất trong giai đoạn 2015 - 2019, thành phố cũng đưa ra nhiều giải pháp như sớm hoàn tất thủ tục ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đưa đất vào sử dụng...  Mới đây nhất, TP HCM cũng có văn bản gửi Thủ tướng giải quyết khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng cho 63 dự án nhà ở có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận được thực hiện thủ tục chấp nhận đầu tư các dự án trên.

Để gia tăng nguồn cung cho thị trường, trong quý I, Sở Xây dựng TP HCM cho biết đã công nhận 8 dự án đủ điều kiện bán, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai như The Metropole Thủ Thiêm (quận 2), Spirit of Sài Gòn (quận 1), G-Home Thảo Điền (quận 2), The Ascentia (quận 7)...

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển thị trường Công ty DKRA, cho rằng những việc làm này là động thái tích cực của chính quyền và cơ quan chức năng nhằm giải tỏa các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ tích cực hơn cho nguồn cung mới. Đồng thời, khi triển khai các dự án, người mua sẽ tin tưởng và an tâm hơn về vấn đề thủ tục pháp lý. Ông Hoàng nhấn mạnh, đây là một trong các điểm sáng của thị trường TP HCM trong bối cảnh dịch bệnh và vốn đã suy giảm vì nhiều thách thức kéo dài từ năm 2019 đến nay.

Loạt dự án hạ tầng giao thông dự kiến khởi công trong năm nay

Được coi như "bệ phóng" kích thích ngành bất động sản, yếu tố hạ tầng giao thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (Ban QLDA) cho biết kế hoạch năm 2020 sẽ khởi công xây dựng 27 dự án giao thông mới, đưa vào sử dụng 29 dự án hoàn thành.

Bất động sản TP HCM được kỳ vọng sôi động trở lại nhờ loạt yếu tố - Ảnh 2.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng khởi công trong năm nay. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Trong đó, nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm được xây dựng như cầu Mỹ Thuỷ 3 thuộc dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thuỷ, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng sẽ giúp giải quyết ùn tắc cho khu vực ra vào cảng Cát Lái, quận 2. Hàng loạt cầu được nâng cấp, mở rộng như công trình cải tạo cầu Phạm Văn Chí (quận 6), cầu kênh Tẻ (nối quận 4 với quận 7), cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Tri Phương (nối quận 5 với quận 8), cầu Tân Kỳ – Tân Quý (nối quận Tân Phú với quận Bình Tân), xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7); nâng cấp cải tạo đường Huỳnh Tấn Phát giai đoạn 2 (quận 7)...

Trong quý II, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM sẽ tiếp tục khởi công 15 dự án mới, chuẩn bị trình HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công trong kỳ họp giữa năm 2020 các dự án, trong đó có tuyến đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh). Tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư gần 10.700 tỷ đồng, dài khoảng 54 km, điểm đầu tại huyện Hóc Môn, TP HCM và kết thúc tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Công trình được đề xuất đầu tư theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu được chia thành 2 phần: TP HCM - Trảng Bàng (dài 33 km) và Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5 km).

Kỳ vọng “thành phố phía Đông”

TP HCM cũng có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến thành lập “thành phố phía Đông” trực thuộc thành phố trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức. Thành phố này sẽ gồm 3 nền tảng trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (quận 9), Đại học Quốc gia TP HCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Theo dự kiến, sau khi được thành lập, “thành phố phía Đông” của TP HCM sẽ có diện tích tự nhiên hơn 211  km2, quy mô gần 1,2 triệu dân. Nếu được chấp thuận, TP HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình “thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”.

Chuyên gia đến từ DKRA Việt Nam đánh giá việc xây dựng “thành phố phía Đông” không chỉ đơn giản là tên gọi hành chính mà còn thuộc vấn đề cơ cấu tổ chức hoạt động, quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông - xã hội…, qua đó chắc chắn sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ đầu tư quy mô hơn, nâng tầm dự án hơn, từ đó đương nhiên ảnh hưởng đến mức giá bất động sản tại khu vực (chưa tính một số chủ đầu tư hoặc cá nhân lợi dụng thông tin để tăng giá, thổi giá dù mức đầu tư không tương xứng với giá cả).


Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành