Bất động sản Đà Nẵng bắt đáy, nhà đầu tư đang âm thầm trở lại thị trường?

Sau cơn sốt đất lịch sử cuối 2017, thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam trải qua thời kỳ đóng băng dài gần 3 năm. Theo đánh giá của giới đầu tư, đáy của thị trường cũng là cơ hội cho nhà đầu tư đi trước.

Xem thêm >>> bán đất Nhơn Đức Nhà Bè

Cơn sốt BĐS Đà Nẵng – Quảng Nam cách đây 3 năm gắn liền với hình ảnh đại dự án Cocobay rầm rộ xây dựng và mở bán với Slogan "điểm đến giải trí của thế giới" và mục tiêu "thêm một đêm cho Đà Nẵng. Thời điểm 2016-2017, hàng loạt các dự án bán kính cách Cocobay Đà Nẵng từ 5 km trở xuống đều chọn "key" truyền thông "liền kề Cocobay", "khu vực Logistics cho dự án Cocobay" để hút khách.

Tuy nhiên, cơn sốt đất nền cạnh Cocobay đã trở thành "sốt lạnh" rồi "đóng băng" khi dự án này gặp khó khăn và ngưng trệ. Tiếp đó, thị trường BĐS nghỉ dưỡng rơi vào trầm lắng khi pháp lý căn hộ Condotel chưa rõ ràng. Từ giữa năm 2018 nhà đầu tư ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường này. Đến 2019 và 9 tháng 2020, dịch bệnh Covid và bão lụt khiến thị trường BĐS miền Trung nói chung, Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng lĩnh thêm "cú đúp" khó khăn.

Nhà đầu tư "cá mập" được cho là đã "cắt lỗ" từ cuối 2019 và rời khỏi thị trường. Nhà đầu tư đều rao cắt lỗ mạnh nhưng tính thanh khoản không cao. Hàng trăm khách sạn 2-3 sao rơi vào khủng hoảng, bán tháo. Thị trường gần như đóng băng, giao dịch rất hạn chế.

Khảo sát của DKRA Vietnam cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng chứng kiến sự sụt giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc, mức tiêu thụ chung của toàn thị trường ở mức thấp, giao dịch thứ cấp kém sôi động, mức tiêu thụ condotel tụt xuống thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng ven biển gần như không có giao dịch.

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm khi thị trường đang giảm sâu sau 3 năm trầm lắng nhiều nhà đầu tư lại bắt đầu có tín hiệu quay trở lại thị trường. "Thị trường BĐS suy giảm mạnh nhưng cũng là cơ hội cho nhà đầu tư. Những nhà đầu tư tay to là những cánh chim đầu đàn trên thị trường. Họ luôn vào lúc thị trường giá thấp nhất và thoát ra ở đỉnh cao nhất. Sau thời gian BĐS Đà Nẵng trầm lắng và giảm giá mạnh đang có hiện tượng các nhà đầu tư quay trở lại bắt đáy thị trường", ông Nguyễn Quốc Anh - PTGĐ PropertyGuru Việt Nam cho biết.

Chị Phan Hương, một nhà đầu tư tại Đà Nẵng nhận định, tình hình thị trường Đà Nẵng hiện nay có phần tương đồng với năm 2013 - là năm rất khó khăn với nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng, nhưng dấu hiệu khởi sắc cũng bắt đầu xuất hiện, tạo cơ sở cho sự phục hồi vào cuối năm 2014.

"Đây là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư quay trở lại thị trường, nhưng cần có tầm nhìn từ trung hạn trở lên, chứ không nên ‘ăn xổi’ như trước đây. Mặc dù "liều ăn nhiều" nhưng cuộc chơi hiện nay cũng chỉ dành cho những nhà đầu tư nào có tiềm lực tài chính mạnh, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính từ vốn vay ngân hàng", chị Hương cho biết.

Quan sát cho thấy, thị trường BĐS Đà Nẵng – Quảng Nam đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Số liệu của DKRA cho thấy nguồn cung căn hộ tại thị trường Đà Nẵng đang rất khan hiếm. Thị trường căn hộ chỉ đón nhận 3 dự án mở bán trong 3 quý đầu năm 2020, tập trung ở 2 quận Sơn Trà và Hải Châu, cung cấp khoảng 156 căn, bằng 32% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong thời gian tới thị trường tiếp tục đón nhận nguồn cung mới từ 50% các công trình căn hộ khách sạn (condotel) tại dự án Cocobaycủa Thành Đô được chuyển thành căn hộ chung cư (hình thành đơn vị ở). Sau chuyển đổi, dự án có quy mô: 55 lô nhà ở liền kề kết hợp kinh doanh, 57 lô biệt thự riêng lẻ, 120 lô biệt thự song lập, 218 căn nhà ở liền kề, 2.270 căn hộ chung cư và 1.370 căn hộ khách sạn. Hiện Thành Đô đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước Với số tiền đối trừ còn dư trong ngân sách Nhà nước là hơn 1.555 tỷ đồng.

Cùng với việc khan hiếm nguồn cung, giá đã giảm xuống mức thấp, cơ hội phục hồi của thị trường BĐS Đà Nẵng – Quảng Nam còn do lực đẩy từ hàng loạt công trình hạ tầng. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ra quyết định triển khai dự án Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP. Hội An, với tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Dự án giúp khơi thông tuyến đường thủy huyết mạch, có giá trị lớn về kết nối du lịch, rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng vào Hội An bằng đường thủy, tạo cơ hội phát triển cho các tour du lịch đường sông trong ngày.

Cùng với dự án nạo vét sông Cổ Cò, UBND tỉnh Quảng Nam cũng công bố quy hoạch thiết kế cảnh quan ven sông Cổ Cò và khu vực ven biển từ thị xã Điện Bàn đến Hội An, phối hợp với TP. Đà Nẵng lập thiết kế cảnh quan ven sông Cổ Cò, thống nhất phương án khớp nối tuyến đường tàu điện kết nối từ Đà Nẵng đến Hội An –Tramway  hơn 14 ngàn tỷ đồng phục vụ du lịch, thương mại - dịch vụ. Các dự án du lịch khổng lồ ven biển, tuyến du lịch sông Cổ Cò cũng đang được cấp tập triển khai tạo sức bật lớn cho toàn bộ khu vực.

Ngoài ra, Tập đoàn AEON của Nhật Bản – cũng là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới – đang khảo sát địa điểm trên địa bàn Quận Ngũ Hành Sơn để đặt đại siêu thị; một tập đoàn Y tế hàng đầu của Nhật Bản cũng đang có ý định chọn quận Ngũ Hành Sơn để đặt một bệnh viện công nghệ cao.

Thêm vào đó, trục Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa mở rộng kéo dài đến Hội An, cùng các trục vành đai phía Nam, Nam Kỳ Khởi Nghĩa mở thêm lối ra biển, đường và cầu qua sông Cổ Cò đang triển khai… cũng thúc đẩy khu vực sông Cổ Cò và quận Ngũ Hành Sơn phát triển nhanh chóng.

Những cú hích hạ tầng tỷ đô đang là lực đẩy để thị trường đang ấm trở lại. Nhiều nhà đầu tư đang có động thái quay trở lại thị trường. Các chuyên gia BĐS nhận định dù thị trường hiện nay khá im lìm nhưng vẫn có một luồng khách hàng là những nhà đầu tư Hà Nội, TP HCM... tìm gom các lô đất sạch, giá thấp để đón đầu sự phục hồi vào năm tới. Dự báo thị trường khu vực này đã chạm đáy vào cuối 2020 và sẽ khởi sắc trở lại vào đầu năm 2021, mở ra cơ hội tốt cho người có nhu cầu thực sự về đất ở. 

Nam Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển