6 nguyên nhân làm giá nhà, đất TP.HCM tăng
Các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới quảng cáo thổi phồng không đúng sự thật đã đẩy giá bất động sản tăng mạnh.
Theo nhận định của Sở Xây dựng, gần đây có hiện tượng người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ chuyển hướng mạnh sang mua bán nhà ở riêng lẻ và đất nền. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2018, khó xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản (BĐS).
Nhà riêng lẻ và đất nền hút hàng
Sở Xây dựng đưa ra sáu nguyên nhân khiến giá BĐS tăng, đó là: Thứ nhất, việc hoàn thành của tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đang xây dựng tuyến Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngoài ra, TP cũng đang tiếp tục triển khai các tuyến đường vành đai, metro, cầu và sân bay.
Thứ hai, TP đang có chủ trương phát triển khu đô thị sáng tạo tại khu Đông (quận 2, 9, Thủ Đức) nên người dân, nhà đầu tư tập trung về khu vực này để tạo lập nhà ở, phát triển dự án BĐS.
Thứ ba, hỏa hoạn ở chung cư Carina cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người mua nhà khiến họ chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ và đất nền.
Tiếp đến là dự báo kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục ổn định, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng. Nguyên nhân tiếp theo là nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn TP hiện rất lớn nhưng nguồn cung chưa nhiều. Hơn nữa, thu nhập của đa số các hộ gia đình không đủ khả năng mua nhà ở, căn hộ trong các dự án nhà ở. Do đó, người dân chủ yếu chọn giải pháp mua những lô đất có giấy hồng với diện tích nhỏ 50-100 m2 để tự xây dựng nhà ở.
“Các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới quảng cáo thổi phồng không đúng sự thật đã đẩy giá BĐS tăng mạnh”, đây cũng là một nguyên nhân mà theo Sở Xây dựng là đã tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.
Các tổ chức , cá nhân hoạt động môi giới quảng cáo thổi phồng không đúng sự thật đã đẩy giá bất động sản tăng mạnh. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhà ở thu nhập thấp vẫn được chuộng
Sở Xây dựng cho biết từ đầu năm đến nay, toàn TP có 18 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, 24 dự án công nhận chủ đầu tư và 61 dự án được chấp thuận đầu tư. Cũng trong thời gian này, Sở Xây dựng đã cấp phép xây dựng cho 41 công trình xây dựng nhà ở với tổng số gần 12.000 căn hộ.
Sở cũng đã xác nhận đủ điều kiện cho các chủ đầu tư để huy động vốn của 45 dự án với tổng số gần 12.800 căn nhà. Số lượng căn nhà ở giao dịch giảm so với cùng kỳ năm 2017 gần 15.000 căn. Trong đó số căn hộ chào bán giảm sâu nhất là ở phân khúc căn hộ bình dân (hơn 73%), tiếp đó là phân khúc cao cấp (gần 56%) và phân khúc trung bình (hơn 27%).
53% số lượng căn hộ đưa ra thị trường TP.HCM trong bảy tháng đầu năm giảm hơn 53% so với cùng kỳ. Số lượng các dự án được công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp phép xây dựng cũng giảm so với cùng kỳ.
Theo Sở Xây dựng, thời gian tới nhà ở xã hội có giá từ 700 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc căn hộ chung cư trung bình có giá 1-2 tỉ đồng/căn với diện tích 50-80 m
2 vẫn là phân khúc tiêu thụ tốt trong khi nguồn cung chưa nhiều. “Như vậy nhu cầu về nguồn cung nhà ở thu nhập thấp và phân khúc trung bình để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân TP là rất lớn. Do đó, khuyến nghị các doanh nghiệp nên khảo sát kỹ thị trường, xác định nhu cầu của người dân đối với từng phân khúc BĐS cụ thể để có kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển nhà ở phù hợp với thị trường” - Sở Xây dựng cho biết.
Từ các số liệu trên, Hiệp hội BĐS TP nhận định từ nay đến cuối năm khó xảy ra bong bóng thị trường BĐS. Thời gian qua, TP.HCM chỉ xuất hiện sốt ảo giá đất tại khu vực ngoại thành. Thủ phạm chính là giới đầu nậu với thủ đoạn đầu cơ, thổi giá, tạo sóng, gây ra các đợt sốt ảo giá đất tại một số nơi.
Cần công an, ngân hàng vào cuộc
Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo TP về tình hình tăng giá nhà ở riêng lẻ và đất nền trên địa bàn TP, đồng thời đề xuất giải pháp để kiểm soát tình hình. Sở cũng đã dự thảo văn bản chỉ đạo của UBND TP về vấn đề này để thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững và minh bạch.
Trong dự thảo, Sở Xây dựng kiến nghị cần có sự vào cuộc của các sở, ngành, quận, huyện, Công an TP cũng như Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát thị trường BĐS. Theo đó, các sở TN&MT, Xây dựng, UBND các quận, huyện phải công khai thông tin, tiến độ các dự án BĐS, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị… Đồng thời các quận, huyện tăng cường quản lý đối với việc tách thửa đất ở tại đô thị và nông thôn. Công an TP phối hợp với các quận, huyện xử lý các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về dự án hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch BĐS.
Theo Việt Hoa
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh