Tp.HCM sẽ xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến lách luật bán dự án BĐS
Trước thực trạng có rất nhiều tranh chấp, bức xúc, khiếu nại của người dân liên quan đến các dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh nhưng đã huy động vốn dưới nhiều hình thức. UBND Tp.HCM đã liên tục chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, xử lý các dự án.
Mới đây, Sở Xây dựng có văn bản số 5249 gửi UBND TpHCM, khẳng định khi chủ đầu tư muốn bán, cho thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải thực hiện theo khoản 2, Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS, là trước khi bán phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện bán.
Cụ thể, bộ hồ sơ đủ điều kiện bán phải gồm giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy tờ nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; nếu là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng.
Ngoài ra, hợp đồng mua bán BĐS hình thành trong tương lai phải đăng ký hợp đồng mẫu. Thế nhưng, rất nhiều chủ dự án không thực hiện, nên UBND Tp.HCM đã chỉ đạo Sở Công thương triển khai thanh tra việc đăng ký hợp đồng mẫu tại tất cả các dự án trên địa bàn thành phố, hoàn thành trước tháng 9/2020.
Dù quy định đã có nhưng thời gian qua, một số chủ dự án vẫn không thực hiện khiến người dân mua nhầm dự án không đủ điều kiện, dẫn đến dây dưa tranh chấp kéo dài. Trong khi đó, việc xử phạt dù đã có quy định nhưng thực hiện lại không dễ.
Ngày 5/5, Sở Xây dựng TPHCM phải ký văn bản 4699 gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến xử lý các trường hợp chủ đầu tư nhận tiền ứng trước, đặt cọc giữ chỗ, ký hợp đồng mua bán nhưng chậm bàn giao căn hộ, nhà hình thành trong tương lai cho khách hàng.
Cụ thể, điểm a, khoản 2, Điều 19 Nghị định 99/2015 quy định, chủ đầu tư không được huy động vốn bằng hình thức ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua căn hộ, nhà ở (theo luật định, chỉ được huy động vốn là góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở). Thế nhưng, các chủ đầu tư vẫn ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng theo Bộ luật Dân sự để huy động vốn.
Bất hợp lý là ở chỗ, Luật Kinh doanh BĐS quy định mức thanh toán cho hợp đồng mua bán đợt 1 không quá 30% giá trị hợp đồng và sau đó thanh toán theo tiến độ dự án, thế nhưng luật dân sự lại không khống chế mức tiền đặt cọc là bao nhiêu, nên ở nhiều dự án chủ đầu tư thu tiền đặt cọc của khách hàng lên đến 80% giá trị căn hộ, nhà ở.
Ngoài ra, Bộ luật Dân sự quy định mục đích của đặt cọc là nhằm đảm bảo thực hiện hợp đồng, do vậy, việc các chủ đầu tư nhận cọc đến hàng trăm tỷ đồng của khách để dùng đầu tư vào dự án là sai.
Tuy diễn ra tình trạng trên nhưng việc xử lý sai phạm không đơn giản. Thẩm quyền xử phạt là của sở xây dựng, nhưng sở lại không có quyền kiểm tra tài chính để biết số tiền cọc, tiền ứng trước, tiền giữ chỗ của khách hàng có trong tài khoản của doanh nghiệp hay đã dùng vào việc đầu tư dự án, nên không xử lý được.
Bên cạnh đó, tình trạng chủ đầu tư bán một căn hộ, nhà đất dự án cho nhiều người, hoặc chủ đầu tư đã thế chấp toàn bộ dự án nhưng vẫn đem bán căn hộ cho khách hàng, diễn ra thường xuyên.
Một số căn hộ, nhà ở bị chủ đầu tư cùng lúc bán cho nhiều người, dù đã qua công chứng nhưng vẫn không phát hiện được. Nguyên nhân, có thể chủ đầu tư liên kết với phòng công chứng để công chứng các hợp đồng mua bán căn hộ, nhà ở dự án mà không lưu vào mục “chuyển nhượng BĐS”, lại lưu vào mục “chuyển nhượng giấy tờ có giá”, do vậy hoạt động công chứng không tìm thấy dữ liệu trong hệ thống BĐS nên không thể phát hiện được.
Việc này cần sở tư pháp tiến hành kiểm tra, xử lý các phòng công chứng vi phạm và thống nhất hướng dẫn các đơn vị công chứng, để tránh tiếp tay cho chủ đầu tư lừa đối khách hàng.
Hạ Vy
Theo Nhịp sống kinh tế