Những cú bắt tay của doanh nghiệp đang giúp thị trường địa ốc tốt lên?
Theo các chuyên gia, việc siết tín dụng đối với bất động sản (BĐS) đang khiến các doanh nghiệp địa ốc tìm kiếm các giải pháp để phát triển thay vì lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Những cú "bắt tay" tạo đà trong năm 2018
Xu hướng bắt tay liên kết phát triển dự án BĐS nổi lên mạnh mẽ từ năm 2014 khi thị trường khởi động chu kỳ phát triển trở lại sau 5 năm đóng băng. Trong đó, những nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính mạnh hợp tác với các DN có quỹ đất để phát triển dự án.
Hoạt động này tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2018, đặc biệt trước bối cảnh tín dụng BĐS đang được siết chặt theo lộ trình thì lựa chọn đối tác để đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án đang được các DN tăng cường đẩy mạnh.
Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bcons đã kí kết biên bản MOU với một đơn vị Thái Lan là A ASSET Co., Ltd – công ty con của Tập đoàn PPSN Co., Ltd. Theo đó, PPSN sẽ hợp tác cùng Bcons trong hoạt động phát triển các dự án BĐS do Bcons làm chủ đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể nhất, sắp tới, 2 đơn vị này sẽ tiến hành triển khai dự án Bcons Suối Tiên. Dự án quy mô hơn 600 căn hộ diện tích từ 35-60m2, giá bán trên dưới 1 tỉ đồng/căn tại KP Tân Lập, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trong năm 2018, công ty đã bắt đầu triển khai các thủ tục để xin Giấy phép xây dựng cho dự án này. Dự án thứ hai trong kế hoạch phát triển kinh doanh gần nhất là đầu tư và phát triển dự án Bcons Miền Đông (Tân Lập - Bình Dương). Dự án này dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2019.
Cũng trong năm 2018, Công ty Nhà Mơ sau khi góp vốn phát triển dự án Dream Home tại Q.8, đơn vị này tiếp tục "bắt tay" với Tập đoàn The Global Group (Nhật Bản) để triển khai xây dựng dự án này. Trước đó vào cuối năm 2017, Tập đoàn Mitsubishi cũng rót vốn vào Công ty Phúc Kháng trong việc phát triển dự án Dimond Lotus Riverside. Khoản đầu tư trị giá 30 triệu USD này đã được giải ngân vào đầu năm 2018.
Các doanh nghiệp trong nước cũng tích cực các cuộc "bắt tay" để tạo đà phát triển dự án mới. Chẳng hạn, Him Lam Land bắt tay Công ty CP BĐS Phú Đông Group phát triển dự án Him Lam Phú Đông tại Bình Dương.
Cùng khu vực, cuối tháng 5/2018, Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng Tây Hồ (TayHo JSC) và Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Thiên Minh (Thien Minh Group) cùng ký kết hợp đồng hợp tác phát triển dự án, chính thức giới thiệu dự án căn hộ Compass One. Dự án căn hộ này nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, P.Chánh Nghĩa, Tp. Thủ Dầu Một với quy mô 400 căn hộ cao cấp.
Trong văn bản gửi tới các DN BĐS mới đây, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cũng đề nghị các nhà phát triển dự án giảm dần việc lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng trước bối cảnh ngân hàng siết chặt tín dụng với BĐS.
Thay vì dùng phần lớn đòn bẩy tài chính để làm dự án, các DN có thể tìm cách tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của DN; chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội; niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán; lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI đăng ký rót vào lĩnh vực BĐS đạt 312,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. FDI rót vào BĐS tiếp tục duy trì thứ hạng cao, chỉ đứng sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng với số vốn đầu tư lần lượt là 1,83 tỷ USD và 345,4 triệu USD.
Tiếp tục sôi động đến cuối năm
Theo các chuyên gia, động thái siết tín dụng gây ra những khó khăn nhất định trong thời gian trước mắt đối với DN BĐS. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội làm lành mạnh hóa thị trường, là cú huých để các doanh nghiệp tự thân vận động, nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định, năm 2018 dòng vốn đầu tư của các "đại gia" địa ốc đến từ các nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan và đặc biệt là Nhật Bản sẽ còn tăng mạnh. Điều này cho thấy thị trường sắp bùng nổ một cuộc cạnh tranh khá gay gắt từ những dòng sản phẩm mang phong cách và chất lượng ngoại. Trong cuộc cạnh tranh này, người tiêu dùng sẽ là bên hưởng lợi nhất.
Theo bà Dung, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định những năm gần đây đã tạo niềm tin cho cả chủ đầu tư/nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng cường dòng vốn vào BĐS Việt Nam.
Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2017 chứng kiến dòng vốn ngoại khá hào hứng với BĐS và việc khối ngoại rót tiền vào BĐS thông qua hợp tác và M&A với các đối tác nội – ngoại diễn ra sôi động.
Theo ông Hiển, năm 2018, lĩnh vực BĐS tiếp tục thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân là do sau một thời gian dài quan sát, các nhà đầu tư đã có thêm niềm tin vào chu kỳ phục hồi của BĐS Việt Nam và nếu không tham gia họ sẽ bị chậm chân so với các nhà đầu tư khác.
Bên cạnh đấy, các chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra rằng, DN địa ốc cần cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với tài chính của số đông khách mua trước bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. Đồng thời, đưa ra các giải pháp tài chính phù hợp với từng giai đoạn phát triển của dự án; có các quyết định đúng đắn trước việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn, hoặc là cùng hợp tác phát triển hoặc bán đứt dự án cho các đối tác có tiềm lực hơn.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ